MỘT VÀI DỰ ÁN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ QUAN TRỌNG TRÊN ĐỊA BÀN TP HCM.

MỘT VÀI DỰ ÁN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ QUAN TRỌNG TRÊN ĐỊA BÀN TP HCM.

  • Trong đầu tư bất động sản, thường các nhà đầu tư hay đi theo hạ tầng giao thông để ra quyết định đầu tư. Mong là bài viết này sẽ chia sẻ được những thông tin cơ bản, ngắn gọn để mọi người có thể nắm bắt và hình dung sơ bộ về các dự án giao thông đường bộ đã, đang và sắp triển khai trên địa bàn TP HCM.

Theo nghị quyết số 24-NQ/TW, phát triển vùng Đông Nam Bộ sẽ tập trung xây dựng các vành đai công nghiệp, đô thị dịch vụ, logistics gắn với các hành lang giao thông. Cơ bản hoàn thành hệ thống giao thông kết nối nội vùng và khu vực, tập trung phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc, đường vành đai Thành Phố Hồ Chí Minh. Kế hoạch đến năm 2026 hoàn thành đường vành đai 3 TP HCM và mở rộng cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành đường vành đai 4 TP HCM. Liên quan đến ngành giao thông vận tải, TP Hồ Chí Minh đang đề xuất, triển khai các dự án cụ thể như:

1. Cao tốc TP Hồ Chí Minh – Mộc Bài:

Cao tốc TP. HCM - Mộc Bài có chiều dài khoảng 50km, trong đó đoạn qua địa bàn TP. HCM dài 23,7km, đoạn qua tỉnh Tây Ninh dài 26,3km. Ở giai đoạn 1, dự án đầu tư 4 làn xe, thực hiện theo hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) với tổng vốn khoảng 16.729 tỉ đồng (bao gồm lãi vay trong thời gian xây dựng). Tới giai đoạn hoàn thiện, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài sẽ mở rộng đoạn qua TP.HCM lên 8 làn xe cao tốc hoàn chỉnh, bề rộng nền đường 42m; đoạn qua tỉnh Tây Ninh mở rộng thành 6 làn xe cao tốc hoàn chỉnh, bề rộng nền đường 34,5m.

Hiện tại dự án đang trong quá trình điều chỉnh hướng tuyến đồng thời nguồn vốn ngân sách của cả 2 địa phương còn khó khăn, do đó cần thiết bổ sung nguồn vốn từ trung ương. Giao Bộ kế hoạch và đầu tư tham mưu, trình Chính phủ chấp thuận chủ trương hỗ trợ 2.900 tỷ từ nguồn NSTW để phân bổ cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án.

2. Cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương:

Cao tốc TP.HCM – trung Lương có chiều dài 61,9km gồm 39,75 km đường cao tốc (qua TP.HCM 1,15 km, Long An 28,5 km, Tiền Giang 10,1 km) và 22,1km các tuyến đường nối. Dự án đã đầu tư giai đoạn 1 và đưa vào khai thác từ tháng 2/2010 với 4 làn xe cao tốc 2 làn dừng khẩn cấp.

Sau khi dừng thu phí từ năm 2019 đến nay, tuyến cao tốc đang dần xuống cấp trong khi nhu cầu giao thông tăng cao, lượng xe lưu thông lớn, đường hiện hữu không đảm bảo khả năng thông hành giao thông, thường xuyên xảy ra ùn tắc và tai nạn. Nên UBMD tỉnh Long An đang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận đầu tư dự án giai đoạn 2 đoạn qua địa bàn tỉnh Long An với quy mô hoàn chỉnh theo quy hoạch 8 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp. Đồng thời nghiên cứu cho kết nối đường địa phương với đường cao tốc tại vị trí trạm dừng chân trên địa bàn huyện Thủ Thừa.

3. Cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây:

Cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây có chiều dài 55km chia làm 2 đoạn, đoạn An Phú – Vành Đai 2 dài 4km và đoạn Vành Đai 2 – Long Thành – Dầu Giây. Giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành và đưa vào khai thác từ 30 tháng 6 năm 2016 với quy mô 4 làn xe.

Hiện dự án đang được đề xuất đầu tư hoàn chỉnh đường dẫn cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây lên 8 làn xe (đoạn từ nút giao An Phú đến vành đai 2), xin bổ sung ngân sách Trung ương khoảng 1.123 tỷ đồng. Tiến độ dự kiến theo Sở Giao thông vận tải, năm 2023 sẽ lập và phê duyệt chủ trương đầu tư; thi công từ quý 2-2025; hoàn thành công trình năm 2027. Đồng thời đoạn từ vành đai 2 đến vành đai 3 – nút giao cao tốc Biên Hòa Vũng Tàu, VEC đang lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư nâng cấp mở rộng đoạn đường cao tốc TP.HCM – Long Thành.

4. Đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh:

Đường vành đai 3 TPHCM có tổng chiều dài 76,34 km, gồm đoạn qua TPHCM 47,51 km; Đồng Nai 11,26 km; Bình Dương 10,76 km và Long An 6,81 km. Đường Vành đai 3 có điểm đầu tại điểm giao với cao tốc Bến Lức - Long Thành thuộc địa phận huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai và điểm cuối tại nút giao với cao tốc Bến Lức - Long Thành thuộc địa bàn huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Đề xuất quy mô 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp. Tổng mức đầu tư của dự án 75.378 tỷ đồng, gồm 50% vốn trung ương và 50% vốn địa phương.

Hiện dự án gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm, điều phối nguồn vật liệu xây dựng cung cấp cho dự án. Đang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ tài nguyên môi trường và các địa phương (Bà Rịa – Vũng Tàu, Vĩnh Long, An Giang, Tiền Giang, Trà Vinh, Đồng Tháp) hỗ trợ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh (Đồng Nai, Bình Dương và Long An) phối hợp chia sẻ, cung cấp nguồn vật liệu phục vụ cho dự án đường vành đai 3.

5. Đường vành đai 4 TP Hồ Chí Minh:

Đường vành đai 4 TP.HCM có tổng chiều dài khoảng 199 km, đi qua địa giới hành chính 12 huyện của 5 địa phương TP. HCM, Bình Dương , Long An, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Có điểm đầu tại đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, điểm cuối tuyến nối trục Bắc - Nam tại khu vực cảng Hiệp Phước TP.HCM, quy mô 6-8 làn xe.

Đoạn cầu qua sông Sài Gòn – kênh Thầy Cai dài khoảng 17km giao UBND TP.HCM triển khai. Đoạn Phú Mỹ - Bàu Cạn dài khoảng 18km giao UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu triển khai. Đoạn Bàu Cạn – cầu thủ Biên dài khoảng 45km giao UBND tỉnh Đồng Nai triển khai. Đoạn Thủ Biên – sông Sài Gòn dài khoảng 49km giao UBND tỉnh Bình Dương triển khai. Đoạn kênh Thầy Cai – Hiệp Phước dài khoảng 71km giao UBND tỉnh Long An.

Hiện đoạn cầu qua sông Sài Gòn – kênh Thầy Cai đang được Bộ giao thông vận tải và các địa phương liên quan rà soát điều chỉnh, tích hợp quy hoạch, nghiên cứu bổ sung các phương án tuyến mới để giảm khối lượng và chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, giảm chi phí đầu tư. Dự kiến hoàn thành lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, trình UBND TP trong quý II năm 2023. Đồng thời tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương và cơ chế tham gia vốn của trung ương cho các dự án đường vành đai 4.

6. Cao tốc Bến Lức – Long Thành:

Cao tốc Bến Lức – Long Thành có chiều 57km, quy mô 4 làn xe 2 làn dừng khẩn cấp. Trong đó 4,89 km đường đi qua tỉnh Long An, 24,92 km đi qua Thành phố Hồ Chí Minh, và 27,28 km đi qua tỉnh Đồng Nai.

Dự án khởi công tháng 7/2014, dự kiến hoàn thành vào năm 2019. Nhưng hiện dự án đang tạm dừng thi công và tổng công ty đầu từ và phát triển cao tốc Việt Nam – VEC đang thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, đề xuất kéo dài thời gian hoàn thành đến tháng 9/2025. Khó khăn vướng mắc mà dự án đang gặp liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, đơn giá bồi thường thu hồi đất thực hiện hạng mục di dời đường điện 110kV và 500kV chưa phù hợp…Đồng thời cập nhật, bổ sung những nội dung liên quan các dự án như: xây dựng đường gom dân sinh trên địa bàn Bình Chánh, hoàn thiện nút giao thông giữa QL50 với cao tốc Bến Lức – Long Thành để đồng bộ với dự án mở rộng QL50 (quy mô 6 làn xe).

7. Cao tốc TP Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành:

Cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành có chiều dài khoảng 59,4km, gồm đoạn qua tỉnh Bình Dương 52,3km, đoạn qua tỉnh Bình Phước 7,1km, giai đoạn phân kỳ đầu tư quy mô 4 làn xe, tổng mức đầu tư 17.300 tỷ đồng.

Hiện dự án đã được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận tập đoàn Becamex là nhà đầu tư đề xuất dự án PPP. Đối với đoạn tuyến kết nối từ vành đai 2 (nút giao Gò Dưa) đến vành đai 3, TP.HCM thồng nhất với tỉnh Bình Dương đoạn tuyến này không còn quy hoạch là đường cao tốc, sẽ nghiên cứu đoạn tuyến này là đường dẫn cao tốc. TP.HCM sẽ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư bằng nguồn vốn ngân sách của Thành Phố.

(Theo Trần Tuyến)

Luôn cập nhật các thông tin mới nhất!

Đăng ký để không bỏ lỡ bất kỳ thông tin quan trọng nào.

Bình luận

Trần Kim Tuyến

Tran Tuyen

Hãy để tôi giúp bạn tìm kiếm bất động sản phù hợp!

Gọi ngay Tư vấn thêm
Bạn muốn đặt quảng cáo ở đây?
Liên hệ với chúng tôi

Tin tức bất động sản khác

HAPPY LAND PHÁ SẢN?

Trần Kim Tuyến
15/04/2023