BI HÀI ĐIỀU KHOẢN THANH LÝ HỢP ĐỒNG BẤT ĐỘNG SẢN.
BI HÀI ĐIỀU KHOẢN THANH LÝ HỢP ĐỒNG BẤT ĐỘNG SẢN.
Nhiều công ty bất động sản bán đất, bán nhà sau một thời gian dài chưa ra được sổ hoặc hạ tầng chưa xong, khách hàng yêu cầu thanh lý hoàn tiền thì đại đa số đều trả lời không có tiền là vì sao? Nói chung đại đa số các chủ đầu tư dự án bất động sản ngay khi có các pháp lý cơ bản đều tranh thủ đưa sản phẩm ra thị trường sớm nhất có thể nhằm huy động vốn từ khách hàng. Số tiền thực tế được thu về, không chỉ dùng cho việc làm hạ tầng, hoàn thiện pháp lý dự án. Tiền sẽ được chia nhỏ để vận hành hệ thống kinh doanh: chi quảng cáo dự án, chi đánh bóng tên tuổi doanh nghiệp, chi lương thưởng đội ngũ nhân sự, chi ngoại giao, chi bôi trơn, chi tuyển dụng, chi mặt bằng, chi phát triển thêm quỹ đất hoặc dự án mới… Nên sau một hay vài năm chưa xong hạ tầng hoặc chạy pháp lý chưa xong, thì tiền huy động vốn ngày ấy cũng không còn thật.
Vậy những dự án các chủ đầu tư đã bán, hạ tầng và pháp lý kéo dài 2 năm, 3 năm, 5 năm, thậm chí lâu hơn vẫn không có kế hoạch thanh lý hợp đồng, hoàn tiền cho khách hàng có khác gì chiếm đoạt tài sản của người khác. Thật ra ngay từ đầu, khách hàng ký hợp đồng thanh toán tiền cho sản phẩm hình thành trong tương lai mà họ mua với chủ đầu tư là hoàn toàn tự nguyện. Nên trong hợp đồng nếu có điều khoản thanh lý với trường hợp sai phạm từ phía chủ đầu tư thì trong việc xử lý cũng rất khó để quy hết họ chiếm đoạt tài sản. Thực chất việc huy động vốn đã là một dạng gần như chiếm dụng vốn trong muôn vàn hình thức chiếm dụng vốn trong kinh doanh. Khoản tiền ấy giúp bên bán an tâm làm vì bên mua chắc chắn sẽ mua sản phẩm, và giúp bên mua có được lợi thế vừa sở hữu sản phẩm vừa mua được giá tốt hơn ở thời điểm hiện tại so với sau khi sản phẩm đã hoàn thiện. Trong điều kiện thuận lợi thì việc này hoàn toàn là việc đôi bên cùng có lợi, nhưng ở điều kiện ngược lại thì người mua lẫn chủ đầu tư đều có nghuy cơ mất tài sản.
Nếu những chủ đầu tư đang vướng mắc, gặp nhiều khó khăn, trong tương lai bán được bất động sản thì họ có trả lại tiền cho khách hàng, hay vì lòng tham nên họ muốn để bất động sản lời nhiều rồi mới bán? Về việc thanh lý hợp đồng, cá nhân mình trong quý 3 và quý 4 năm 2022 đã hỗ trợ xử lý thanh lý hợp đồng cho khách hàng (đây đều là những khách hàng mua của các sale khác nhờ mình hỗ trợ), có cái vài trăm triệu (chủ đầu tư trả thêm lãi do vi phạm hợp đồng), có những cái lên đến hàng tỷ (khách nhận lại đủ số tiền đã thanh toán). Tất nhiên việc xử lý thanh lý đòi hỏi rất nhiều yếu tố, nhưng quan trọng là chủ đầu tư đủ nội lực, uy tín với những cam kết theo hợp đồng. Nên đâu đó vẫn còn những chủ đầu tư hành xử rất tử tế, dù rằng việc thanh lý hoàn tiền cho khách khiến họ thiệt hại rất nhiều những khoản đã chi ra trong suất quá trình bán hàng cho đến khi kết thúc thanh lý. Còn về lòng tham, chắc chắn ai cũng có, nhưng ở thời điểm này hầu như các doanh nghiệp bất động sản lớn nhỏ đều khó khăn về dòng tiền, chẳng chủ đầu tư nào muốn ôm sản phẩm, chỉ có bán được thì mới có tiền xoay sở vượt khó. Hỏi ngược lại, nếu tương lai dự án tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc, bất động sản dần tăng nhiệt, người mua có còn muốn thanh lý lấy lại tiền?
Liệu những công ty, chủ đầu tư bất động sản đang gặp khó khăn, vướng mắc có dễ bị phá sản không? Nếu họ phá sản thì khách hàng có bị mất tiền không? Đây có lẽ không chỉ là sự lo lắng, trăn trở của các khách hàng, nó còn là nỗi lo của chính các chủ đầu tư và các những môi giới có tâm với nghề với khách hàng với công ty. Nhìn thực tế sẽ thấy nhiều chủ đầu tư lớn đang khá chật vật tìm dòng tiền, xoay sở nợ nần, kêu gào tháo gỡ điểm nghẽn pháp lý, xin hỗ trợ giúp đỡ từ nhà nước, nên việc có dễ bị phá sản không nó còn phụ thuộc vào chính chủ đầu tư đó có nội lực hay không. Nếu chủ đầu tư phá sản thì khách hàng bị thiệt hại là hoàn toàn có thể xảy ra.Chẳng ai vui khi đề cập đến vấn đề này, nhưng đã đầu tư thì phải có rủi ro, việc lựa chọn dự án, chủ đầu tư, môi giới đồng hành cùng là điều đầu tiên khách hàng có thể chủ động chọn để hạn chế cũng như loại bỏ bớt rủi ro.
Hầu hết các hợp đồng giữa chủ đầu tư với khách mua đều có điều khoản thanh lý, nhưng lại không được chú ý nhiều. Người mua chưa theo sát để tự bảo vệ quyền lợi của mình, sale không nhiều người có kinh nghiệm hỗ trợ thanh lý cho khách hàng, chủ đầu tư luôn tìm nhiều lý lẽ chây ỳ để kéo dài thời gian xử lý. Liệu điều khoản thanh lý không phải thêm vào cho vui mắt, tạo độ uy tín, chuyên nghiệp cho chủ đầu tư chứ?
Bình luận